Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Mẹo nấu ăn - cách chọn và khử mùi hôi ở vịt

Để làm các món vịt thơm ngon, khâu quan trọng nhất chính là làm thế nào để khử sạch mùi hôi ở vịt. Bí quyết thật đơn giản, sau đây là những tư vấn từ những bà nội trợ nhiều năm kinh nghiệm nuôi và chế biến vịt ở Vân Đình

Mẹo nấu ăn: Chọn vịt:

Chọn mua con trưởng thành và béo, ức tròn, da cổ và da bụng dày, mọc đủ lông (điểm mút của hai cánh vừa đủ đan chéo vào nhau).

Không chọn vịt non vì ăn không ngon, lại mất nhiều công nhổ lông tơ. Vịt non có mỏ to và mềm. Vịt già mỏ nhỏ và cứng. Vịt đã đẻ nhiều lứa thì bụng dưới xệ xuống. Khác với gà nếu ăn thịt vịt thì nên chọn vịt đực, vì vịt đực ăn ngon hơn vịt cái.

Để tránh mua phải vịt đã bơm nước, các bà nội trợ cần chọn những con không quá mỡ màng, thịt săn chắc hoặc lựa chọn con sống ở chợ và đề nghị họ mổ ngay tại chợ. Sau 10 phút, bạn đã có một con vịt sạch sẽ, không sợ bị bơm nước mà chỉ tốn vài nghìn đồng.


Mẹo nấu ăn: Để khử mùi hôi của Vịt làm như sau:

- Vịt làm sạch lông, lấy hai thìa muối hạt to xát đều trong và ngoài. Để 5-10 phút rồi xả lại dưới vòi nước lạnh.

- Tiếp tục chà xát vịt thật kỹ bằng gừng thái chỉ, ½ bát ăn cơm rượu trắng. Công đoạn này mất khoảng 10 phút, sau đó tiếp tục xả sạch vịt dưới vòi nước.

- 1 quả chanh vắt lấy nước cốt, thoa đều khắp mình vịt và cả bên trong, rồi đặt lên rổ cho ráo.

- Chặt riêng đầu, cổ, cánh và thân.

Để món vịt không bị hôi, trước khi luộc nên bóp với chút muối, tiêu, gừng đập dập, có thể cả chút rượu trắng, để chừng 30 phút rồi rửa sạch, để ráo, đem luộc. Cho một mẩu gừng đập dập vào nồi luộc.

Chúc các bạn chế biến thành công những món ăn từ Vịt

Theo mẹo nấu ăn

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Mẹo chọn thịt heo tươi ngon giúp nấu ăn ngon

Để có một bữa ăn ngon đúng nghĩa việc chọn mua thực phẩm tươi ngon là 1 trong những bữa quan trọng. Để tránh mua phải thịt lợn bệnh, tẩm hàn the, hay thịt lợn siêu nạc..., các bạn hãy tham khảo các thông tin dưới đây từ mẹo nấu ăn nhé.

Mẹo nấu ăn - Thịt lợn tươi, ngon

Để mua được thịt lợn tươi ngon, khi mua bạn cần quan sát và lựa chọn thật kỹ:

- Thịt lợn khỏe mạnh thường có màu hồng nhạt đến đỏ thẫm.

- Thịt săn chắc, không nhũn nhão, đàn hồi tốt, không rỉ dịch, chảy nhớt. Dùng ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Các thớ thịt đều.

- Đường cắt mặt thịt khô ráo, thịt hơi rít, cơ hơi se lại; lớp bì mềm, mỡ màu trắng trong đến hơi ngà, khi ngửi không có mùi gắt dầu.

- Nội tạng của lợn khỏe mạnh và tươi có màu sắc tự nhiên, nhìn trên bề mặt có độ ánh, bóng sáng.

- Thịt lợn ngon khi mua về, đem luộc có nước trong, váng mỡ to, dậy mùi thơm của thịt và đặc biệt không có mùi lạ.
Chọn thịt tươi ngon, mẹo nấu ăn ngon


Mẹo nấu ăn - Thịt lợn kém chất lượng

Thịt lợn kém chất lượng có thể nói chung là thịt của lợn bị bệnh; lợn chết trước khi đem mổ; thịt để lâu, ôi:

- Thịt bị bệnh: Da đỏ, thịt đỏ hơn mức bình thường và nội tạng cũng đỏ, bị tụ máu, quá bóng. Thịt lợn có độ đàn hồi kém, nhũn nhão, rỉ dịch ra nhiều, có mùi kháng sinh rất đậm, thịt quá cứng, hoặc quá nhão. Lợn bị bệnh huỳnh đản thì thịt có màu vàng khác thường.

Ngoài ra, nội tạng của những con lợn này thường có màu sậm đen, bị xuất huyết, tụ huyết lốm đốm.

- Lợn chết đã lâu: Thịt sẽ bị phân hủy, có mùi hôi; bì tím bầm, nước luộc đục, không thơm, thậm chí có mùi ôi rất khó chịu. Khi cắt sâu vào miếng thịt sẽ có máu (do lợn chết trước khi chọc tiết nên máu còn tụ lại trong cơ thể).

- Thịt ôi, để lâu: Thịt lợn cũ, để lâu ngoài không khí thường chuyển sang màu xanh.

Nội tạng lợn để lâu ngày sẽ chuyển sang màu sậm, bốc mùi hôi và không còn độ săn chắc mà bị phân hủy; không có độ ánh bóng sáng, nhăn nheo, bủn rộp.

- Thịt tẩm hàn the: Miếng thịt có tẩm hàn the rất tươi, cầm thấy cứng nhưng khô, thớ thịt săn, không dính... Cắt vào bên trong, thịt nhũn nhão, rỉ dịch và có mùi. Thịt ướp muối diêm có độ đàn hồi kém. Nếu rửa thịt, thấy thịt chuyển màu nhợt nhạt và có mùi tanh chứng tỏ là thịt đã bị thoa phẩm màu pha với tiết lợn nhằm mục đích làm cho miếng thịt trông đẹp và tươi hơn.

- Thịt siêu nạc: Thịt lợn “siêu nạc” tích nhiều nước, mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, thớ ngắn, trơn láng, độ săn chắc kém do mô mỡ biến thành mô nạc. Thịt ít mỡ, nạc sát da. Tại bắp vai, đùi có lượng thịt phát triển bất thường, thịt u lên, màu đỏ au giống như thịt bò. Lưu ý, không nên vì chỉ thích thịt siêu nạc mà mua lầm thịt nhiễm độc.

Ngoài ra, bạn lưu ý, nên mua thịt ở nhưng nơi bán hàng có uy tín để biết rõ xuất xứ, nguồn gốc của thịt và để chắc chắn rằng thịt đã được kiểm định về mặt an toàn, chất lượng.

Mẹo nấu ăn - Chọn mua gà vịt tươi ngon

Trước hàng loạt những vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, việc đi chợ chọn rau thịt không dễ. Hôm nay mẹo nấu ăn chia sẻ với các bạn 1 bí quyết nhỏ giúp bạn có thể chọn mua gà, vịt tươi ngon.


Khi đi chợ mua gà, vịt, tốt nhất, bạn nên chọn con sống. Nếu bạn không biết cách làm thịt hoặc ngại, có thể nhờ người bán hàng làm ngay tại chỗ. Ăn thịt gà, thịt vịt tươi bao giờ cũng thơm miệng hơn rất nhiều so với thịt gà, thịt vịt làm sẵn và để lâu.

Gà, vịt sống nên chọn con khỏe mạnh, mào đỏ tương hồng, hai cánh ép sát mình, lông trơn mượt, mắt có thần. Nếu gà vịt có màu biến sắc thành thâm đen, hai cánh rủ xuôi, lông xù, lông quanh hậu môn có dính phân màu lục, diều tích thức ăn cứng lại là gà vịt có bệnh.

Khi mùa gà, vịt đã làm lông, cắt tiết, phải chọn con da còn trơn nhờn, thịt không có mùi khác lạ.

Gà ngon: Gà ngon là gái mái tơ gần đẻ, hậu môn nhỏ, chân vàng, lườn to, mỏ to. Gà mái già thịt dai, ăn sẽ không ngon.

Gà mái thường ăn ngon hơn gà trống, trừ gà trống thiến còn khỏe mạnh, làm thịt nấu các món đều ngon.

Vịt ngon: Trái với gà, vịt trống ăn ngon hơn vịt mái. Hãy lựa chọn những con vịt mỏ to và mềm, ức tròn, da cổ, da bụng dày và có đủ lông cánh. Đừng lựa những con chưa có đủ lông cánh, ăn thịt nhão, không ngon và lại còn mất công nhổ lông con.

Mẹo nấu ăn - Nhận biết gà, vịt bệnh


Vạch đít gà, vịt ra xem, thấy con nào hậu môn ướt, rờ bầu diều thấy phồng lên no tròn và trong miệng nước dãi chảy ra... đó là những con đang bị bệnh. Tốt nhất bạn không nên mua những con như thế này.

Mẹo nấu ăn - Phân biệt thịt gà, vịt bơm nước

- Lật cánh kiểm tra kỹ dưới nách, nếu bị tiêm bơm nước sẽ có một chấm đỏ nhỏ. Xung quanh vết nước phòng lên có màu đen. Để một thời gian, màu đen sẽ phát tán rộng ra.

- Thịt gà vịt bị bơm nước, nếu bạn vỗ vào sẽ có tiếng kêu bình bịch.

- Dưới da vịt bơm nước, nếu dùng tay ấn vào sẽ có cảm giác trơn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể kiểm tra bằng cách ấn tay vào vùng ức, bụng của gà vịt để kiểm tra.

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Mẹo sơ chế và chế biến hải sản tươi ngon

Hải sản càng tươi ăn càng ngon, nếu chưa dùng ngay, bạn cần sơ chế sạch trước khi bảo quản. Khi làm món hấp hải sản, bạn đừng để lâu vì món ăn sẽ bị khô và mất vị ngọt. Còn nếu nướng, nên phết một lớp dầu lên vỉ trước khi đặt hải sản lên.

Cách sơ chế hải sản
Hải sản thường phải ăn lúc còn tươi, nhưng vì một lý do nào đó sau khi mua về bạn chưa dùng đến thì bạn phải sơ chế sạch trước khi cất vào tủ lạnh (có thể giữ trong 1-2 ngày. Sau đây là cách sơ chế cho một số loại hải sản thường gặp nhất:

- Với các loại hải sản có vỏ cứng như nghêu, sò, ốc cần giữ cho phần vỏ không bị sứt mẻ. Những loại này sống khá lâu trong môi trường ẩm nên giữ chúng trong túi vải sạch rắc nước lên cho có độ ẩm là bạn có thể để từ 1- 2 ngày mà không cần phải bảo quản trong tủ lạnh.

- Hàu, điệp và vẹm nếu còn nguyên con thì nên bảo quản trong hộp riêng và cho vào tủ lạnh. Hoặc bạn có thể tách phần thịt hàu, đặt lên khay và nhỏ thêm vài giọt chanh lên trên để cách ly với các thực phẩm khác.

- Mực, cá biển nên loại bỏ phần da và ruột, rửa sạch để ráo sau đó gói kín trong bao nhựa.

- Tôm cắt râu, loại bỏ phần đầu, rửa sạch cho vào hộp có một ít nước vào rồi bỏ vào ngăn đá, bạn có thể sử dụng trong thời gian lâu mà tôm vẫn tươi.

- Bạn cần nhẹ tay khi rửa hay sơ chế hải sản để tránh bị dập nát, có thể gây hỏng một cách nhanh chóng.

Chế biến hải sản


- Hải sản để trong ngăn đá, khi muốn chế biến, bạn nên cho xuống ngăn mát một đêm để rã đông. Nếu muốn chế biến ngay, bạn có thể đặt chúng dưới vòi nước hoặc cho vào lò vi sóng, tránh ngâm vào nước ấm hoặc để ra nhiệt độ bên ngoài, như thế chúng rất dễ bị nhiễm khuẩn và có mùi vị không ngon.

- Khi hấp hải sản, bạn nên để vỉ cách mặt nước khoảng 7 cm, phải đậy nắp thật kín và giảm lửa. Khi nước sôi, bạn nên tắt lửa nhưng không mở nắp ngay mà để hải sản tiếp tục chín bằng hơi nóng trong khoảng 4- 9 phút. Đừng hấp quá lâu hải sản sẽ bị khô và mất đi vị ngọt.

- Làm món nướng: Hải sản dùng để chế biến món nướng rất hấp dẫn. Nếu bạn thích nướng bằng lò vi sóng hoặc lò nướng thì sau khi tẩm ướp gia vị bạn bọc chúng lại bằng giấy bạc và chỉnh nhiệt độ 200 - 230 độ C. Khi nướng bằng bếp than, nên phết một lớp dầu lên trên vỉ trước khi đặt hải sản lên. Than nướng phải cháy đỏ, trở tay đều khi nướng và nhớ là phải phết dầu ăn lên hải sản để tránh cho món ăn bị khô và cháy.

Những điều nên tránh khi sử dụng hải sản

- Không nên thường xuyên ăn các loại cá lớn như cá mập, cá kiếm, cá thu loại lớn, cá kình, các loài ốc, nghêu, sò... vì chúng rất dễ bị nhiễm độc.

- Tuyệt đối không ăn hải sản đã chết vì chúng có thể tiết ra chất độc.

- Không nên mua hải sản có màu sắc khác thường vì những loài hải sản sống trong vùng ô nhiễm thường có màu sắc như vậy.

- Phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn cá ngừ do cá ngừ thường chứa thủy ngân gây độc cho thai nhi.

- Khi ăn các loại hải sản như nghêu, sò ốc, hến không nên uống bia vì bia làm cản trở quá trình bài tiết đạm thừa ra khỏi cơ thể. Nếu thường xuyên uống bia khi ăn các loại hải sản này chất đạm thừa sẽ lưu lại trong cơ thể dẫn đến các khớp cơ sẽ bị đau và sưng đỏ.

- Sau khi ăn hải sản bạn không nên ăn tráng miệng bằng các loại trái cây như nho, lựu, hồng... vì các loại quả này có chứa axít nên khi tiếp xúc với protein có trong hải sản sẽ hình thành chất lắng đọng, dẫn đến khó tiêu.

Xem thêm: Cách chọn mua hải sản tươi ngon

Đăng bởi habubank nợ xấu